- KINH DOANH TRÁI PHÉP LÀ GÌ?
Kinh doanh trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật yêu cầu phải có giấy phép.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên phải đăng ký kinh doanh thì những hoạt động thương mại của cá nhân sau đây không cần phải đăng ký kinh doanh:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
- Buôn chuyếnlà hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì người hoạt động kinh doanh (thương nhân) phải đăng ký kinh doanh và chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, hành vi kinh doanh trái phép là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
- TRƯỚC ĐÂU KINH DOANH TRÁI PHÉP BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?
Kinh doanh trái phép là tội phạm hình sự được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 như sau:
“1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
Tội kinh doanh trái phép theo quy định pháp luật hiện hành
BLHS 2015 đã bãi bỏ Tội kinh doanh trái phép và chuyển tội này sang phạm vi hẹp hơn đó là kinh doanh trái phép trong lĩnh vực mạng máy tính, mạng truyền thông. Điều 292 BLHS 2015 quy định về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông cụ thể như sau:
“1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng
3.Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Theo như quy định tại Điều 292 BLHS 2015 thì không phải loại hình kinh doanh trái phép nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà chỉ những loại hình được quy định tại Khoản 1 Điều 292 BLHS 2015 thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mặt khác, cùng hành vi kinh doanh các lĩnh vực nêu tại Điều 292 BLHS 2015, nếu tiến hành trên mạng máy tính, viễn thông thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn không thực hiện trên mạng thì lại không.
Đến nay, Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 ban hành năm 2017 đã bãi bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Như vậy, pháp luật hiện hành đã bãi bỏ quy định về tội kinh doanh trái phép nghĩa là hành vi này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Kinh doanh không đăng ký doanh nghiệp bị xử lý như sau: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định”.
Ngoài ra, vẫn còn trường hợp kinh doanh trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở thời điểm hiện tại. Theo đó, điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015 có hướng dẫn như sau: “Đối với hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý”. Có nghĩa là, hành vi kinh doanh trái phép xảy ra trước ngày 01/07/2016 đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sau thời điểm Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực nhưng vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý.
Chuyên viên Huỳnh Như
Tư vấn Nhật Hướng
Để lại một bình luận