Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội thì hoạt động tài chính ngân hàng cũng diễn ra ngày càng sôi động. Các tổ chức tín dụng phát triển nhanh về quy mô, đa dạng, phức tạp về loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng cũng có những chuyển biến ngày càng phức tạp hơn. Do vậy, các quy định tại Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 202/2004/NĐ-CP) đã bộc lộ nhiều bất cập, như một số hành vi vi phạm chưa có chế tài xử lý, nhiều mức chế tài còn nhẹ so với mức độ vi phạm…
Ngày 17/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 96/2014/NĐ-CP). Nghị định 96/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2014 và thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP, Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số điểm mới tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.
1. Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính
1.1. Hình thức phạt tiền – mức phạt nặng hơn so với các văn bản trước đây
Mức phạt tiền tại Nghị định số 202/2004/NĐ-CP quy định căn cứ theo mức phạt tiền cao nhất áp dụng cho lĩnh vực ngân hàng trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (70.000.000 đồng). Đến thời điểm hiện tại, các mức phạt quy định tại Nghị định này đã quá thấp, không còn phù hợp, không đủ sức răn đe đối với đối tượng có hành vi vi phạm. Nghị định số 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 202/2004/NĐ-CP chỉ nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng, đối với các hành vi vi phạm khác vẫn áp dụng mức xử phạt theo Nghị định số 202/2004/NĐ-CP. Thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, số tiền thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính có thể nhiều hơn số tiền người vi phạm bị xử phạt, trong trường hợp này, việc xử phạt không đạt được mục đích đề ra.
Tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được nâng lên đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Việc quy định mức phạt tiền như tại Nghị định là phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời cũng phù hợp với tình hình thực tiễn của hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Theo đó, mức phạt tiền áp dụng cho từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cũng được quy định cao hơn so với Nghị định 202/2004/NĐ-CP trên nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và việc thực thi chính sách tiền tệ (ví dụ: cùng hành vi vi phạm là hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép, mức phạt tiền quy định tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP là 5.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng; tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng …).
Riêng đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là các tổ chức đặc thù, được thành lập để thực hiện mục tiêu tương trợ giữa các thành viên, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do đó, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định mức phạt tiền áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có hành vi vi phạm khi thực hiện công việc bằng 10% mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức khác. Mức phạt tiền này là phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô cũng như điều kiện, mức thu nhập của cá nhân làm việc tại các tổ chức này.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP cũng đã rà soát điều chỉnh mức phạt tiền đối với tất cả các hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. So với Nghị định 202/2004/NĐ-CP, trên cơ sở thực tiễn hoạt động ngân hàng, các mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP dựa trên các căn cứ sau: (i) Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; Trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tính chất, mức độ xâm hại được xác định dựa vào tính chất, mức độ xâm hại đến sự an toàn của hệ thống các TCTD, việc thực thi chính sách tiền tệ…; (ii) Mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; (iii) Mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng mức phạt.
1.2. Biện pháp khắc phục hậu quả
So với Nghị định 202/2004/NĐ-CP, trên cơ sở quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP có một thay đổi quan trọng là đã bổ sung một loạt biện pháp khắc phục hậu quả mới như: Biện pháp đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; biện pháp không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm; biện pháp buộc chuyển nhượng phần vốn góp, mua cổ phần không đúng quy định đối với hành vi vi phạm…
Thực tế hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy phạt tiền là chưa đủ để ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng và chế tài này chưa thực sự tác động đến cá nhân những người quản trị, điều hành tổ chức tín dụng. Do vậy, việc Nghị định 96/2014/NĐ-CP bổ sung các biện pháp nghiêm khắc trên để áp dụng đối với cá nhân người quản trị, điều hành tổ chức tín dụng và với chính tổ chức tín dụng là cần thiết, nhằm loại bỏ khả năng gây mất an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, thông qua đó ngăn ngừa, hạn chế rủi ro mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra.
2. Về các hành vi vi phạm hành chính có nhiều bổ sung mới
Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định 14 nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép; Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành; Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu; Vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ; Vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; Vi phạm quy định về hoạt động thông tin tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; Vi phạm quy định về thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ; Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản; Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi; Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; Vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo; Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền. Một số hành vi vi phạm mới được bổ sung so với Nghị định 202/2004/NĐ-CP như các hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền, vi phạm về bảo hiểm tiền gửi, các hoạt động nghiệp vụ như hoạt động ủy thác, nhận ủy thác, hoạt động liên ngân hàng, hoạt động thông tin tín dụng…
Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP được quy định chi tiết hơn tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP như hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng giấy phép, hành vi vi phạm về huy động vốn … Việc bổ sung và quy định chi tiết một số hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP phù hợp với sự phát triển về phạm vi, quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng và việc sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc ban hành mới một loạt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong thời gian qua, đảm bảo có đủ chế tài để xử lý các hành vi vi phạm hành chính mới phát sinh.
3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người thuộc hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, ngoài thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra viên Ngân hàng, Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: (i) Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng và (ii) Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định. Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định phù hợp với quy định tại Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng và thẩm quyền xử phạt theo Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người không thuộc hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, ngoài những người có thẩm quyền được quy định tại Khoản 4 Điều 37 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP bao gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh được quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định, để phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP cũng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với cá nhâm, tổ chức có một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thanh toán và hoạt động thẻ ngân hàng.
Việc ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh, phòng chống những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời đảm bảo sự tuân thủ luật pháp của tổ chức, cá nhân và sự an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như hệ thống ngân hàng./.
Nguồn Trang thông tin điện tử của Viện Khoa học pháp lý
Khuyến nghị: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Người dùng khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Để lại một bình luận