Có phải bạn vẫn thường nghe nói về quy định cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) không được sở hữu công ty riêng. Nhận định này thật ra không sai, chỉ là không đúng hoàn toàn. Bởi, nếu áp dụng pháp luật một cách khéo léo, CB-CC-VC hoàn toàn có thể sở hữu một hoặc nhiều các công ty tư nhân một cách hợp pháp, đúng với các quy định của pháp luật.
Xem thêm: Kinh doanh không cần đăng ký, doanh nghiệp hiểu sao cho đúng?
Sau đây, Tư vấn Nhật Hướng sẽ gợi ý cho bạn một phương án sở hữu một công ty hoàn toàn hợp pháp của riêng mình, dù hiện bạn có đang là CB-CC-VC đi chăng nữa.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014), cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Theo quy định này và quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, CB-CC-VC không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nhìn thoạt qua, có với các quy định trên, có vẻ đã “hết đường” đối với các CB-CC-VC khi muốn sở hữu một chứ đừng nói đến việc sở hữu nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lại quy định của pháp luật, ta sẽ thấy một con đường khá rộng mở. Bởi, các quy định pháp luật nêu trên chỉ cấm hoạt động thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành CB-CC-VC đối với các loại hình doanh nghiệp kể trên. Thế nhưng, pháp luật lại không hạn chế quyền góp vốn của các đối tượng này vào các doanh nghiệp đã được thành lập sẵn, lại càng không hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn trong một doanh nghiệp, và số lượng doanh nghiệp có thể góp vốn vào.
Vậy, CB-CC-VC có thể tham gia góp vốn vào loại hình doanh nghiệp nào?
Bên cạnh việc tước quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp của CB-CC-VC pháp luật còn tước cả quyền tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp của đối tượng này. Vì vậy, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để góp vốn phải cân nhắc trên tiêu chí là làm sao để sau khi đã góp vốn vào doanh nghiệp, người góp vốn không bị xác định là người quản lý doanh nghiệp.
Theo khoản 18 Điều 4 LDN 2014 xác định, người quản lý doanh nghiệp là một trong các đối tượng sau đây:
- Thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị;
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân.
Vậy, nếu góp vốn vào công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua lại doanh nghiệp tư nhân, CB-CC-VC sẽ bị pháp luật xác định là người quản lý doanh nghiệp và từ đó vi phạm vào điều cấm của pháp luật.
Do đó, CB-CC-VC chỉ có thể sở hữu doanh nghiệp thông qua việc mua lại cổ phần tại một hoặc nhiều Công ty cổ phần đã được thành lập với tỷ lệ sở hữu hoàn toàn không hạn chế (lên đến 99% hoặc hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ tối thiểu ba cổ đông tại công ty). Nhưng do các quy định hạn chế về quyền điều hành nên CB-CC-VC sau khi góp vốn không được đảm nhiệm các vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty.
Hiện tại việc các doanh nghiệp sử dụng nhân sự quản lý thuê ngoài hoàn toàn không còn xa lạ và thậm chí là xu hướng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn bởi tính chuyên môn cao của các đối tượng quản lý được thuê và tính linh động của phương án án này. Vì vậy, việc không thể đảm nhận các chức danh quản lý, thiết nghĩ cũng không phải là một trở ngại khó vượt qua.
Thạc sĩ.Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp
Vướng mắc về pháp luật – Gọi ngay 0931 009 677
Để lại một bình luận