- Ý nghĩa của Điều lệ công ty
Tại sao Điều lệ công ty lại quan trọng? Nó có vai trò và quan hệ gì với Luật Doanh nghiệp[1]? Giữa Điều lệ và Luật thì bên nào có giá trị cao hơn?
Thứ nhất, về tầm quan trọng của Điều lệ công ty. Nhằm đảm bảo quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, pháp luật doanh nghiệp chỉ đặt ra một số nguyên tắc hoạt động và quản lý buộc nhà đầu tư khi tham gia vào doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cho bên thứ ba và trật tự kinh tế xã hội. Phần lớn các quy định còn lại là nhằm phục vụ mục đích định hướng, gợi ý cho các hoạt động cần thiết trong doanh nghiệp không mang tính bắt buộc áp dụng. Những quy định này tuy không mang tính bắt buộc áp dụng nhưng những vấn đề mà nó gợi ý, định hướng lại là những vấn đề cần thiết cho sự hoạt động và vận hành của doanh nghiệp. Vì vậy, các chủ sở hữu buộc phảibtự xây dựng và lựa chọn những nguyên tắc quản lý điều hành của doanh nghiệp mình trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.Những nguyên tắc này được cụ thể tại Điều lệ công ty và nó được xem như một “Bộ luật nội bộ”của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có rất nhiều vấn đề có khả năng phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà luật không thể dự liệu, định hướng được hết. Khi khởi nghiệp, với nguồn lực tài chính và khả năng còn hạn chế, một bộ phận lớn nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương án kết hợp với một hoặc một nhóm các nhà đầu tư khác để cùng nhau hợp tác kinh doanh. Việc hợp tác giữa nhiều nhà đầu tư sẽ làm tăng khả năng tài chính, trình độ, kinh nghiệm, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các bất đồng giữa các thành viên trong việc phân chia công việc, quyền lực điều hành công ty, góp vốn, chia lợi nhuận,…Từ đó, việc xây dựng một Bộ luật nội bộ của công ty nhằm giúp các nhà đầu tư xác định được phạm vi, trách nhiệm, quyền lợi của mình và các dự liệu các nguyên tắc giải quyết các tình huống có thể phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp là vấn đề quan trọng.
Thứ hai, mối quan hệ giữa Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp. Có thể nói quan hệ giữa Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp là quan hệ giữa cái tổng quát và cái chi tiết. Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp cùng tồn tại song song với nhau, không loại trừ nhau, đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp được vận hành ổn định, đảm bảo trật tự xã hội. Luật doanh nghiệp đề ra những nguyên tắc chung nhất, những giới hạn mà Điều lệ công ty không được vi phạm. Ngược lại, Điều lệ công ty thể hiện những phương thức tổ chức quản lý, hoạt động chi tiết nhất của từng doanh nghiệp mà luật không thể can thiệp nhưng trong phạm vi luật cho phép.
Ví dụ: Theo Khoản 1 Điều 150 LDN 2014, Luật chỉ giới hạn số lượng thành viên Hội đồng quản trị của CTCP là từ 03 đến 11 thành viên nhưng việc ấn định Hội đồng quản trị có chính xác là bao nhiêu thành viên lại là quyền tự quyết của Điều lệ công ty.
Thứ ba, giá trị pháp lý của Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Đối với những vấn đề về nguyên tắc tổ chức, quản lý hoạt động được đặt ra trong Luật và không ghi nhận quyền tự chủ của doanh nghiệp thì Điều lệ không được vi phạm. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Điều lệ công ty và Luật thì sẽ áp dụng Luật. Ngược lại đối với những vấn đề Luật đã trao quyền tự quyết cho Điều lệ thì Điều lệ sẽ có giá trị áp dụng cao hơn luật.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 154 LDN 2014 quy định: “Các cuộc họp của Hội đồng quản trị phải được ghi biên bản và có thể ghi âm, ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác.” Với quy định này Điều lệ không được quy định phương án ứng xử trái với luật, chẳng hạn các cuộc họp của Hội đồng quản trị chỉ cần có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng quản trị và không cần ghi biên bản. Nếu Điều lệ mâu thuẫn với Luật thì luật sẽ có giá trị pháp lý cao hơn.
Ví dụ: Khoản 2 Điều 65 LDN 2014 quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc công ty TNHH 2TV như sau: “Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệmtrong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.”Với quy định này Điều lệ được quy định phương án ứng xử trái với luật. Nếu Điều lệ mâu thuẫn với Luật thì điều lệ sẽ có giá trị pháp lý cao hơn.
Nói tóm lại, Điều lệ công ty có thể hiểu là một bản thỏa thuận được xây dựng bởi các chủ sở hữu/thành viên/cổ đông trong công ty nhằm xác lập các nội dung về thông tin nhận diện công ty, cách thức thành lập, góp vốn, phân chia nhiệm vụ, quyền lợi, bộ máy tổ chức, quản lý hoạt động của công ty, cách thức công ty chấm dứt tồn tại và những nội dung hoạt động khác của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp nhất định, Điều lệ công ty có giá trị cao hơn các quy định pháp luật và sẽ được ưu tiên áp dụng[2].Vì vậy, xây dựng một bản điều lệ phù hợp tình hình của doanh nghiệp và không trái quy định pháp luật, sẽ giúp bạn đảm bảo quyền tự chủ trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo hướng mong muốn mà lại không vi phạm pháp luật.
Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Về bản chất Điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động là như nhau. Hai loại điều lệ này đều là các quy định nội bộ tại công ty do các Chủ sở hữu thống nhất thông qua. Sự khác biệt của hai loại này chủ yếu ở thủ tục và thời gian xác lập điều lệ.
- Thực trạng trong việc xây dựng và áp dụng điều lệ
Một bản Điều lệ công ty phù hợp phải đáp ứng tiêu chí không trái với các quy định pháp luật. Đồng thời phải tương thích, phù hợp với đặc thù tổ chức, quản lý, vận hành riêng biệt của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn thành lập và quản lý doanh nghiệp, các Chủ sở hữu công ty lại chưa thực sự lưu ý, quan tâm đến tầm quan trọng của việc xây dựng điều lệ. Họ chỉ xem đây là một văn bản mang tính thủ tục tại giai đoạn đăng ký thành lập doanh nghiệp nên thường có xu hướng sử dụng các mẫu điều lệ soạn sẵn. Các mẫu điều lệ soạn sẵn này sẽ sử dụng các nguyên tắc cơ bản và quy định của pháp luật doanh nghiệp để xây dựng, vì vậy sẽ khó phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp và bao quát hết các vấn đề có thể phát sinh. Từ đây dẫn đến hệ quả phát sinh nhiều vấn đề khó kiểm tra, giám sát hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty.
Ví dụ, theo Điểm b Khoản 3 Điều 60 LDN 2014 quy định: “Nghị quyết của Hội đồng thành viên về việc giải thể công ty được thông qua tại cuộc họp khi được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.” Trường hợp, một công ty TNHH 2TV XYZ có tỷ lệ sở hữu của các thành viên như sau: A chiếm 75%, B chiếm 10% và C chiếm 15%. Công ty XYZ sử dụng điều lệ mẫu với quy định rập khuôn tại Điểm b Khoản 3 Điều 60 LDN 2014 về tỷ lệ thông qua quyết định của Hội đồng thành viên về việc giải thể công ty. Hệ quả là thành viên A sẽ toàn quyền quyết định số phận của công ty khi có quyền giải thể công ty bất cứ lúc nào mà không cần hai thành viên còn lại chấp thuận. Bởi bản thân thành viên A đã sở hữu đủ số vốn tối thiểu để thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên về việc giải thể công ty và thậm chí đối với tất cả các vấn đề khác trong hoạt động của công ty. Đến lúc phát sinh tranh chấp thì các thành viên còn lại mới biết được hoạt động hay chấm dứt công ty đều phụ thuộc vào thành viên A. Trong khi LDN 2014 đã trao quyền cho các thành viên có thể thay đổi từ tỷ lệ 75% này lên đến 99% (nếu muốn) để phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp mình. Đây chỉ là một ví dụ về hệ quả khá đáng tiếc cho doanh nghiệp mặc dù có thể hoàn toàn tránh khỏi nếu doanh nghiệp có một bản điều lệ phù hợp.
Thạc sĩ.Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp
[1] Ở đây nói chung LDN 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
[2]Ví dụ trong vấn đề về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định của hội đồng thành viên. Pháp luật doanh nghiệp quy định để giải thể công ty thì quyết định này phải được ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành. Tuy nhiên, công ty để đảm bảo hạn chế việc giải thể công ty, các thành viên có thể quy định tại điều lệ một tỷ lệ biểu quyết cao hơn đối với quyết định này. Có thể là 90% chẳng hạn.
Trả lời