TRẦN PHƯƠNG HẠNH – Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TPHCM
Trong thực tiễn ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, đối tượng của hợp đồng và vấn đề thanh toán là hai nội dung quan trọng nhất. Thanh toán là nghĩa vụ chính của bên mua trong giao dịch mua bán hàng hóa. Thỏa thuận về mức giá mà bên mua phải thanh toán và phương thức thanh toán là nội dung chủ yếu của thỏa thuận thanh toán. Nghĩa vụ cung cấp hàng hóa là nghĩa vụ chủ yếu của bên bán. Các thỏa thuận về tên hàng hóa, chất lượng của hàng hóa là những nội dung chủ yếu liên quan đến đối tượng của hợp đồng.
Chất lượng hàng hóa là một trong những nội dung quan trọng cần được xem xét trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, trong thực tiễn thương mại có nhiều trường hợp điều khoản chất lượng trong hợp đồng chỉ ghi đơn giản: “như Bản đặc điểm kỹ thuật” (as the Specification) và điều này dẫn đến nhiều tranh cãi liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa trong hợp đồng khi các bên phát sinh tranh chấp.
1. Vụ kiện giữa Công ty Việt Á Châu và Công ty Connell Bros
1.1. Nội dung vụ kiện:
Tóm tắt vụ kiện:
Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu (bên mua) đã kiện Công ty TNHH Connell Bros (bên bán) để đòi bồi thường thiệt hại do việc hàng hóa do Công ty TNHH Connell Bros cung cấp không đạt yêu cầu về chất lượng. Cụ thể như sau:
Ngày 7/7/2003, Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu (Công ty Việt Á Châu) ký hợp đồng số 241/03-VU mua của Công ty TNHH Connell Bros (Công ty Connell Bros) sản phẩm Myflame 84527E, số lượng 16.080 kg (67 thùng ống), đơn giá 2,9 USD/kg CIF HCMC, trị giá hợp đồng 46.632 USD, xuất xứ hàng hóa: Vương quốc Anh. Sau đó, ngày 11/7/2003 các bên lại ký tiếp hợp đồng số 243/03-VU mua 10.080 kg sản phẩm trên, trị giá 29.232 USD và 5.987,472 kg sản phẩm Performax TF 1133, trị giá 20.357,40 USD. Điều khoản chất lượng của hai hợp đồng này chỉ ghi “theo Bản đặc điểm kỹ thuật” (same as Specifications).
Sau khi ký hợp đồng mua hàng với Công ty Connell Bros, bên mua đã ký hợp đồng số 086/07-2003-VG-GCDI ngày 18/7/2003 gia công cán phủ chất chống cháy lên vải Poly-oxford cho Xí nghiệp may Bình Thạnh thuộc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh – GILIMEX. Ngày 19/8/2003, bên mua đã giao lô hàng thành phẩm cho Xí nghiệp may Bình Thạnh. Đến giữa tháng 9/2003, Xí nghiệp Bình Thạnh phát hiện ra số hàng gia công không đạt yêu cầu do loại chất Myfame 84527E nói trên: vải được gia công ra không khô, dẻo dính, bong tróc. Vì thế, Xí nghiệp Bình Thạnh đã từ chối thanh toán tiền gia công cho bên mua.
Vụ kiện được xử sơ thẩm lần đầu tiên vào ngày 28/9/2004 và đã trải qua bốn phiên xét xử với những kết luận khác nhau qua mỗi lần xét xử. Lần xét xử sơ thẩm thứ nhất vào ngày 28/9/2004, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Công ty Việt Á Châu) đòi bị đơn bồi thường thiệt hại do hàng hóa cung cấp không đúng chất lượng và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn (Công ty Connell Bros) về yêu cầu thanh toán tiền hàng còn thiếu của nguyên đơn đối với bị đơn1. Bản án sơ thẩm đã bị kháng cáo và bị Tòa phúc thẩm hủy án để giao cho Tòa sơ thẩm giải quyết lại2. Vụ kiện sau đó đã được Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lại vào các ngày 1/8/2006 và 12/7/2007. Cả hai Tòa này đều tuyên hai hợp đồng mua bán trên vô hiệu do nhầm lẫn và tranh chấp của các bên được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế về xử lý hợp đồng vô hiệu: “Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền… Thiệt hại phát sinh, các bên tự gánh chịu”3.
Quan điểm xét xử của Tòa phúc thẩm lần hai trong Bản án phúc thẩm số 68/KDTM-PT ngày 12/7/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh:
– “…Hai hợp đồng mua bán số 241/03-VU và 243/3-VU mua hóa chất có tên Myflame 84527E dùng cho nguyên liệu vải Polyester và Oxphor. Nhưng lại ghi trong hợp đồng và trong bill nhận hàng là chất Myflame 84527E dùng cho nguyên liệu PO (da thuộc). Nguyên liệu PO không tồn tại trên thị trường 30 năm và không có thực. Hai hợp đồng nêu trên đều do Công ty TNHH Connell Bros soạn thảo, đánh máy và ký sau đó đưa cho Công ty Việt Á Châu ký. Như vậy, bị đơn bán hóa chất Myflame 84527E dùng cho PO. Còn nguyên đơn mua hoá chất Myflame 84527E dùng cho vải sợi Polyester và Oxphor nhưng nhầm lẫn. Cho dù nguyên đơn có chứng minh được rằng, trước khi ký hai hợp đồng nêu trên và sau hai hợp đồng đó vẫn tiếp tục ký các hợp đồng mua chất Myflame 84527E dùng cho vải Polyester và Oxphor và đã đưa vào sản xuất, sản phẩm không bị hư hại. Như vậy, phía Công ty Connell Bros đã bán sản phẩm Myflame 84527E không đúng chất lượng, đưa vào sản xuất đã gây thiệt hại 121.000USD ngoài hợp đồng là lỗi hoàn toàn thuộc Công ty Connell Bros. Công ty Connell Bros biết rõ chất Myflame 84527E đã bán cho Công ty Việt Á Châu, không thể cho rằng Công ty Việt Á Châu mua hàng phải biết mua hàng gì. Rõ ràng, trong hợp đồng đều ghi chất Myflame 84527E chỉ dùng cho PO: “Special notes the Materials for PO Suynthere loather product”. Do vậy, bản án kinh tế – thương mại sơ thẩm số 380/KDTM ngày 01/8/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ vào điều 141 Bộ luật Dân sự (1995) và tuyên bố hai hợp đồng 241 và 243 nêu trên vô hiệu là có cơ sở…”
– “Xét kháng cáo của Công ty Connell Bros cho rằng trong hợp đồng ghi rõ là PO nên đã bán nguyên liệu dùng cho PO, phía nguyên đơn dùng cho nguyên liệu PU là không đúng. Tại phiên tòa này, phía Công ty Connell Bros cho rằng đánh máy nhầm lẫn thành chữ PO. Sự nhầm lẫn này không ảnh hưởng đến các điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời đổ lỗi cho bị đơn mua hàng phải biết rõ mình mua hàng gì và dùng cho vật liệu PO hoặc PU, còn người bán không chịu trách nhiệm. Kháng cáo của Công ty Connell Bros là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, Công ty Việt Á Châu từ trước đến nay đã ký nhiều hợp đồng mua chất Myflame 84527E chỉ dùng cho PU với Công ty Connell Bros. Công ty Connell Bros biết rõ điều đó và đã thừa nhận bán chất Myflame 84527E dùng cho PU, nhưng hợp đồng do đánh máy lầm nên ghi chữ PO là nguyên liệu không có thực, Công ty Connell Bros cùng là người soạn thảo hợp đồng, người giao hàng, đồng thời là người xuống kiểm tra thực trạng lô hàng đưa vào sản xuất làm hư hại cho 100.000m vải Polyester trị giá 121.000 USD thiệt hại cho Công ty Việt Á Châu. Công ty Connell Bros nhiều lần hứa bồi thường 7 tấn chất Myflame 84527E và xác định chất Myflame 84527E bán là không đúng chất lượng (giám định của chuyên gia bên Công ty Connell Bros, cũng như giám định sau này của VINACONTROL). Công ty Connell Bros hứa bồi thường thiệt hại, nay lại chối bỏ, không thừa nhận, đổ lỗi cho Công ty Việt Á Châu không sản xuất thử nghiệm, không kiểm tra thiết bị của Công ty. Những vấn đề đưa ra chỉ là sự đối phó cho những thiệt hại mà trước đó Công ty Connell Bros thừa nhận đã làm thiệt hại cho Công ty Việt Á Châu…”
– “Xét thấy Công ty Việt Á Châu cũng thừa nhận do quá tin Công ty Connell Bros soạn thảo hợp đồng và do có mối quan hệ mua bán lâu dài, đã ký nhiều hợp đồng với Công ty Connell Bros. Công ty Việt Á Châu cũng cho rằng quá tin vào lời hứa của Công ty Connell Bros, cũng như Công ty sản xuất chất Myflame 84527E đã kiểm tra, xác định chất Myflame đã giao theo hợp đồng 241, 243 như đã ký kết là không đúng chất lượng, đã hứa bồi thường. Sau đó, Công ty Connell Bros không chịu bồi thường, nên mới cho giám định chất Myflame 84527E đã quá hạn sử dụng. Lỗi một phần rõ ràng thuộc Công ty Việt Á Châu. Do vậy phải chịu hậu quả thiệt hại phát sinh do hợp đồng vô hiệu như bản án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp…”
Căn cứ điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà tuyên:
“Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH DV-TM-SX Việt Á Châu và kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Connell Bros và giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
1. Vô hiệu hợp đồng mua bán số 241/03-VU ký ngày 07/7/2003 và số 243/03-VU ký ngày 11/7/2003 giữa Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Á Châu và Công ty TNHH Connell Bros. Việc xử lý hợp đồng vô hiệu như sau:
a. Bác yêu cầu của Công ty TNHH DV-TM-SX Việt Á Châu trong việc đòi Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại 121.000USD.
b. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Á Châu thanh toán cho Công ty Connell Bros 33 thùng Myflame 84527E và hoàn trả số tiền là 52.896 USD, trị giá của 76 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng4.
c. Thiệt hại phát sinh, các bên tự gánh chịu.
Các phần quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành”.
2. Bình luận vụ án
Trước tiên, phải thừa nhận rằng đây là một vụ kiện phức tạp liên quan đến chất lượng hàng hóa trong hợp đồng: tranh chấp giữa các bên phát sinh do hàng hóa là hóa chất Myflame 84527E mà bên bán cung cấp cho bên mua không đảm bảo yêu cầu về chất lượng: “nguyên liệu hóa chất này làm ra hàng phải đạt tiêu chuẩn hàng chống cháy, khô, không dính ướt, không bị bong tróc”5; và tính phức tạp của vụ việc ở chỗ các yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng của hàng hóa đã không được quy định rõ trong hợp đồng. Theo như những tình tiết trong vụ án, điều khoản chất lượng trong hợp đồng mua bán giữa hai bên chỉ ghi đơn giản “theo Bản đặc điểm kỹ thuật” (same as specifications). Quy định sơ sài này của hợp đồng đã dẫn đến những tranh cãi giữa các bên và sự lúng túng của Tòa án6 trong việc xác định căn cứ để đánh giá chất lượng của hóa chất Myflame 84527E khi mà có đến hai thông số kỹ thuật khác nhau về độ nhớt của sản phẩm. Mặc dù phán quyết cuối cùng của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật, với những tình tiết của vụ kiện, chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều điều cần phải bàn luận.
Vấn đề thứ nhất, liệu rằng có các bên có sự nhầm lần về đối tượng của hai hợp đồng mua bán số 241/03-VU ngày 7/7/2003 và 243/03-VU ngày 11/7/2003 hay không?
Vấn đề thứ hai, tiêu chí nào sẽ được lấy làm căn cứ để để đánh giá chất lượng của hàng hóa của hai hợp đồng trên? Vấn đề này chỉ có ý nghĩa khi hợp đồng không bị vô hiệu do nhầm lẫn như quyết định của Tòa án xét xử sơ, phúc thẩm lần hai.
2.1. Yếu tố nhầm lẫn trong hợp đồng
Quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu khi có sự nhầm lẫn7 là nhằm đảm bảo cho hợp đồng được ký kết đúng, là sự thể hiện ý chí đích thực của các bên tại thời điểm giao kết. Tuy nhiên, hợp đồng được ký do sự nhầm lẫn của hai bên sẽ không mặc nhiên vô hiệu như các hợp đồng được giao kết do bị lừa dối, đe dọa8. Khi hợp đồng được ký kết do sự nhầm lẫn, cũng có một phần lỗi vô ý của bên bị nhầm lẫn. Do đó, bên bị nhầm lẫn trước tiên phải đàm phán với bên còn lại về việc sửa đổi những nhầm lẫn đó. Nếu yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn không được chấp nhận thì họ mới có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Quy định này là hợp lý và hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực. Mặt khác, không thể nói các bên ký kết là bình đẳng và tự nguyện trong ký kết hợp đồng khi một trong các bên có sự nhầm lẫn vì đã không ở một vị trí bình đẳng với bên kia trong vấn đề tiếp nhận những thông tin liên quan đến giao dịch. Điều này dẫn đến việc họ đã ký kết hợp đồng dưới sự tác động của sự nhận thức sai lầm, do đó, khó có thể nói bên bị nhầm lẫn hoàn toàn tự nguyện khi ký kết hợp đồng.
Trong vụ kiện trên, Tòa án đã nhận định cả hai bên đều có sự nhầm lẫn về tác dụng của hóa chất Myflame 84527E (dùng cho PO – da thuộc hay vải sợi Polyester – Oxford) và đã tuyên hai hợp đồng 241/03-VU và 243/03-VU vô hiệu mà không cần yêu cầu của bất kỳ bên nào (trình bày của Bản án còn cho thấy cả hai bên đều khẳng định hợp đồng có hiệu lực). Theo chúng tôi, trong vụ này, Tòa án đã giải quyết không đúng về mặt trình tự thủ tục và không đúng với nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và định đoạt của đương sự9 (Tòa đã giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của các bên đương sự). Ngoài điểm gây tranh cãi trên, căn cứ để Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu cũng là một vấn đề cần được xem xét lại.
Theo nội dung của Bản án trên, Hội đồng xét xử đã tuyên bố hợp đồng vô hiệu dựa trên nhận định “sự đánh máy lầm lẫn” chữ PU (vải da tổng hợp) thành PO (da thuộc) – PO là nguyên liệu đã không tồn tại trên thị trường 30 năm và không có thực. Đây là chỉ lỗi kỹ thuật của nhân viên đánh máy (ngay cả Bản án của các Tòa án giải quyết vụ tranh chấp cũng mắc phải) mà đã được cả hai bên thừa nhận, các bên tại phiên tòa đều đồng ý ký hiệu đúng phải là PU (polyurethane)10. Hơn nữa, lỗi kỹ thuật này đó cũng có thể xuất phát từ chính đối tượng là vải Polyester và Oxford bởi vì chữ Poly Oxford có thể được các bên viết tắt thành PO. Mặc dù giả thiết này khó chứng minh, nhưng Tòa án cũng cần phải đặt ra để xem xét, có như vậy thì các tình tiết của vụ án mới được xem xét một cách kỹ lưỡng và toàn diện. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân của việc đánh máy nhầm không phải là vấn đề thiết yếu đáng quan tâm trong vụ án. Điều cần làm rõ ở đây là cần hiểu thế nào là “nhầm lẫn” – căn cứ để tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn?
Theo Bộ nguyên tắc UNIDROIT thì nhầm lẫn là “sự tin nhầm về sự việc hoặc về pháp luật tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng”11, nghĩa là sự hiểu không đúng về nội dung, bản chất của sự vật, sự việc hay nhầm lẫn về pháp luật; việc nhầm lẫn về mặt hình thức cũng có thể làm hợp đồng vô hiệu khi nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự hiểu sai về nội dung. Bộ luật dân sự Việt Nam không quy định riêng một điều khoản “khái niệm nhầm lẫn” như Bộ nguyên tắc UNIDROIT nhưng Điều 131 của Bộ luật Dân sự (Điều 141 Bộ luật Dân sự 1995) đều cho thấy nhầm lẫn ở đây phải là một nhầm lẫn về nội dung, bản chất của giao dịch, chứ không phải là một lỗi kỹ thuật trong đánh máy. Vấn đề còn lại là các bên có sự nhầm lẫn về mặt nội dung hay không? Bên mua – Công ty Việt Á Châu – khẳng định Công ty mua hóa chất Myflame 84527E để dùng cho vải Polyester và Oxford. Về phía bên bán, Hội đồng xét xử cũng nhận định Công ty Connell không có sự nhầm lẫn về nội dung chất PU hay PO: “… Bởi lẽ Công ty Việt Á Châu từ trước đến nay đã ký nhiều hợp đồng mua chất Myflame 84527E chỉ dùng cho PU với Công ty Connell Bros. Công ty Connell Bros biết rõ điều đó và đã thừa nhận bán chất Myflame 84527E dùng cho PU, nhưng hợp đồng do đánh máy lầm nên ghi chữ PO là nguyên liệu không có thực…” (vấn đề này sẽ được tiếp tục làm rõ ở phần sau). Vì thế, chúng tôi cho rằng việc phán quyết hợp đồng vô hiệu của Tòa án là không có tính thuyết phục và có nhiều mâu thuẫn.
2.2. Tiêu chí đánh giá chất lượng
Mục đích của chúng tôi khi xem xét vụ án trên là thông qua vụ án này để góp phần tìm hiểu về giải pháp được pháp luật đưa ra đối với những trường hợp tranh chấp của các bên về một nội dung không được thỏa thuận rõ trong hợp đồng, trong trường hợp cụ thể của vụ án này là thỏa thuận về chất lượng hàng hóa mà các bên tiến hành mua bán12.
Theo những ghi nhận trong Bản án trên và các Bản án của các Tòa xét xử vụ kiện trước đó, điều khoản về chất lượng được ghi trong hợp đồng chỉ quy định một cách ngắn gọn: “theo Bản đặc điểm kỹ thuật”. Cũng qua những ghi nhận của các Bản án, hóa chất Myflame 84527E có hai thông số kỹ thuật khác nhau về độ nhớt của hóa chất:
– Bản dữ liệu kỹ thuật Myflame 84527E cấp tháng 5/2002, có độ nhớt 95 poise.
– Bản dữ liệu kỹ thuật Myflame 84527E cấp tháng 7/2002, có độ nhớt 115 poise. (Bản được cấp cho hai hợp đồng đang xảy ra tranh chấp)
– Bản dữ liệu kỹ thuật Myflame 84527E cấp tháng 10/2002, có độ nhớt 95 poise13.
Điểm kỳ lạ này đã được Cơ quan giám định VINACONTROL lưu ý trong kết luận giám định: “… Myflame là hỗn hợp làm chậm quá trình cháy, còn số 84527E là số sản phẩm. Thông thường mỗi sản phẩm chỉ có một độ nhớt nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm Myflame 84527E mà các bên giao dịch lại có hai số độ nhớt là 95 poise và 115 poise”14. Mặc dù kết luận của cơ quan giám định không xác định được thông số cụ thể để đánh giá chất lượng của hàng hóa, chúng tôi vẫn đánh giá rất cao kết luận trên vì nó đã cung cấp một cơ sở quan trọng cho việc tìm ra tiêu chí hợp lý để đánh giá chất lượng của hàng hóa Myflame 84527E, đó là “thông thường mỗi sản phẩm chỉ có một độ nhớt nhất định”. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để lựa chọn một trong hai độ nhớt trên để làm căn cứ “nhất định” của sản phẩm Myflame 84527E. Điều này cũng phù hợp với tập quán thương mại chung và nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn khi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật15.
Chúng tôi cho rằng thông số độ nhớt 95 poise là thông số nên được sử dụng như là một tiêu chí thống nhất để xác định độ nhớt của hóa chất Myflame 84527E dựa trên những tình tiết của vụ kiện và các luận cứ sau:
Thứ nhất, độ nhớt 95 poise là độ nhớt chủ yếu được nhà sản xuất sử dụng để xác định độ nhớt của hóa chất Myflame: Trong ba Bản đặc điểm kỹ thuật thì có hai bản ghi độ nhớt là 95 poise.
Thứ hai, độ nhớt 95 poise được coi là một điều khoản hiểu ngầm của các bên do các bên đã hình thành với nhau một thói quen thương mại16: (i) Trước khi ký hai hợp đồng đang tranh chấp (độ nhớt 115 poise) thì hai bên đã ký với nhau những hợp đồng tương tự để mua hóa chất Myflame 84527E để bên mua dùng cho việc gia công chất chống cháy lên vải Poly-Oxford và độ nhớt của hóa chất Myflame 84527E ở các hợp đồng nói trên đều là 95 poise; (ii) Thay đổi độ nhớt từ 95 poise lên 115 poise đã không được bên bán thông báo cho bên mua biết như một thay đổi trong hợp đồng và thói quen của các bên. Theo chúng tôi, đây là sự tắc trách của bên bán trong việc tuân thủ nguyên tắc thiện chí và trung thực trong hoạt động thương mại. Vì thế, việc bên mua không chấp nhận độ nhớt 115 poise là hợp lý.
Trong trường hợp này, có thể xem hóa chất Myflame 84527E (độ nhớt 95 poise) mà bên mua đã mua của Công ty Connell Bros trước hai hợp đồng đang tranh chấp là mẫu hàng hóa mà bên bán đã cung cấp cho bên mua, và việc gia công cán phủ bằng hóa chất Myflame 84527E có độ nhớt 95 poise thành công là nguyên nhân để bên mua tiếp tục ký các hợp đồng mua loại hóa chất này. Vì vậy, bên bán sẽ phải cung cấp hàng hóa phù hợp với mẫu hàng hóa. Đây là yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, trung thực và là một trong những tiêu chí để xác định chất lượng của hàng hóa trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận được quy định tại Điều 39 Luật Thương mại 200517. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là vụ việc xảy ra khi Luật Thương mại 2005 chưa có hiệu lực, mà Luật Thương mại 1997 lại không quy định những nội dung như Điều 39 của Luật Thương mại 2005.
Bên cạnh quy định về nghĩa vụ cung cấp hàng hóa có chất lượng như hàng mẫu, Điều 39 Luật Thương mại 2005 còn quy định người bán phải cung cấp hàng hóa có chất lượng phù hợpvới mục đích cụ thể mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu quy định này được áp dụng cho vụ án thì có thể kết quả của vụ án sẽ khác đi và lúng túng của Tòa án về đối tượng của hợp đồng có thể sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và thuyết phục. Bởi, quy định nói trên là căn cứ pháp lý quan trọng để Tòa án có thể đưa ra kết luận mục đích cụ thể của hợp đồng là “dùng cho vải Polyester và Oxford”.
3. Kết luận
Chúng tôi cho rằng, cách giải quyết vụ kiện theo hướng tuyên vô hiệu hợp đồng là không hợp lý và đã không giải quyết được triệt để tranh chấp của các bên. Trong vụ kiện này, yêu cầu của bên nguyên đơn (bên mua) là đòi bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đúng chất lượng và phía bị đơn (bên bán) có yêu cầu phản tố đòi bên nguyên đơn phải thanh toán tiền mua hàng hóa mà nguyên đơn còn thiếu. Hơn nữa, Tòa án giải quyết vụ tranh chấp trên đã không xem xét toàn diện các chứng cứ và tình tiết của vụ án, mà chỉ lý giải các tình tiết của vụ việc một cách chủ quan. Điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn, luẩn quẩn trong chính những lập luận và nhận định của Tòa án, làm cho Bản án của Tòa không có tính logic pháp lý và tính thuyết phục cao.
Những nội dung của Điều 39 Luật Thương mại 2005 là những nội dung mới được bổ sung mà Luật Thương mại 1997 trước đây không có. Như trình bày ở phần trên, nếu các nội dung tại Điều 39 được áp dụng thì có thể việc giải quyết vụ án trở nên đơn giản hơn, tránh được những mâu thuẫn và lúng túng của Tòa án, nhất là đối với việc xác định mục đích sử dụng của chất Myflame 84527E trong hợp đồng. Mặc dù những kết quả tương tự cũng có thể đạt được nếu vận dụng những quy định về giải thích hợp đồng của Bộ luật Dân sự 199518, tuy nhiên quy định rõ ràng của Điều 39 Luật Thương mại 2005 sẽ giúp Tòa án không phải mất thời gian cho việc giải thích điều khoản hợp đồng.
Chú thích:
(1) Xem Bản án số 245/KTST ngày 28/9/2004 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
(2) Xem Bản án số 37/KTPT ngày 20/10/2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM.
(3) Xem Bản án số 380/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006 Tòa án nhân dân TP.HCM và Bản án phúc thẩm số 68/2007/KDTM-PT ngày 12/7/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM.
(4) Được sửa lại theo Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm số 420 ngày 30/7/2007 là: “Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 33 thùng Myflame và số tiền là 52.896 USD, trị giá 76 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng”.
(5) Lời trình bày của nguyên đơn được ghi nhận trong Bản án phúc thẩm số 37/KTPT ngày 12/5/2005.
(6) Xem Bản án số 245/KTST ngày 28/9/2004 (sơ thẩm lần thứ nhất) và Bản án số 37/KTPT ngày 12/5/2005 (phúc thẩm lần thứ nhất).
(7) Điều 131 Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 141 Bộ luật Dân sự 1995).
(8) Xem Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 142 Bộ luật Dân sự 1995).
(9) Xem điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
(10) Được thể hiện rất rõ trong Bản án sơ thẩm số 380/KDTM-ST ngày 01/8/2006 Tòa án nhân dân TP.HCM.
(11) Điều 3.4 Bộ nguyên tắc của UNIDROIT.
(12) Bản án sơ thẩm số 245/KTST ngày 28/9/2004, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh có viết: “… Hội đồng xét xử nhận thấy các bên đã không thỏa thuận và ghi rõ những chỉ số và đặc tính kỹ thuật chi tiết của hóa chất Myflame 84527E mà các bên mua bán nên không có cơ sở để so sánh và xác định.”
(13) Xem Bản án số 37/KTPT ngày 12/5/2005. Thuật ngữ “Bản dữ liệu kỹ thuật” trong các bản án dùng để chỉ Bản đặc điểm kỹ thuật.
(14) Xem Bản án số 380/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006.
(15) Xem Điều 6.4 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
(16) Xem Điều 409 Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 408 Bộ luật Dân sự 1995); Điều 8, 9 Công ước Viên; Điều 1.9, 1.10, 4.2, 4.3, 4.4, 4.6 Bộ nguyên tắc UNIDROIT .
(17) Điều 35.2 Công ước Viên 1980.
(18) Giải thích điều khoản hợp đồng về ký hiệu PU hay PO có thể dựa vào quy định tại Điều 408.1 Bộ luật Dân sự 1995 (tiêu chí ý chí chung của các bên). Để xác định PU là “da thuộc tổng hợp” hay “vải Poly-Oxford” có thể dựa vào quy định tại Điều 135.2 và Điều 408 Bộ luật Dân sự 1995 (tiêu chí bảo vệ bên yếu thế và tiêu chí tập quán mua bán đã được xác lập từ trước giữa hai bên).
Nguồn: Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp Điện Tử
(Khuyến nghị: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Người dùng khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trả lời