Quyền SHTT đối với đối tượng SHTT sẽ đương nhiên được bảo hộ theo quy định của pháp luật khi có các hành vi xâm phạm đến quyền lợi của chủ sở hữu mà pháp luật thừa nhận xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Luật SHTT, khi có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Biện pháp tự bảo vệ;
- Biện pháp hành chính;
- Biện pháp dân sự;
- Biện pháp hình sự;
Việc xác định biện pháp nào sẽ được áp dụng khi có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, để bảo vệ quyền sở hữu dựa vào hai yếu tố: một là sự lựa chọn của người bị xâm phạm; hai là tính chất, mức độ xâm phạm. Các chủ thể có quyền có thể tự bảo vệ bằng các biện pháp dân sự hợp pháp hoặc các yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn hành vi vi phạm và bảo đảm xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Mỗi biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nên chọn biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất và phù hợp nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Quyền tự bảo vệ của chủ thể có quyền[1]
Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền SHTTcó thể tự mình áp dụng các biện pháp tự bảo vệ sau đây để bảo vệ quyền SHTT của mình:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Biện pháp nàykhông phụ thuộc vào sự cho phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện. Chủ thể quyền SHTT có quyền tự mình áp dụng các biện pháp nêu trên khi xét thấy cần thiết, phần nào tránh được vụ việc xâm phạm trở nên nghiêm trọng hơn.Vì vậy nó có ưu điểm bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ thích hợp mà không phải tuân theo các trình tự, thủ tục luật định giúp việc ngăn chặn hành vi vi phạm được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và công sức. Bên cạnh đó, biện pháp này còn đảm bảo được bí mật thông tin, bí mật kinh doanh cần thiết. Tuy nhiên, biện pháp này không mang tính cưỡng chế của nhà nước nên phụ thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của bên xâm phạm.
Song song với các biện pháp tự bảo vệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự theo quy định pháp luật và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Các biện pháp dân sự[2]đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Khi vụ án về hành vi xâm phạm quyền SHTTđược khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp này là việc chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra thực hiện yêu cầuxử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo thủ tục tố tụng dân sự, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Biện pháp này có ưu điểm là mang tính cưỡng chế nhà nước, chủ thể có quyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại một cách kịp thời đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời thông qua cơ quan thi hành án dân sự, các quyết định giải quyết từ Tòa án được đảm bảo cưỡng chế thi hành, giúp chủ sở hữu quyền SHTT có thể đòi được tiền bồi thường nếu có thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Nhưng biện pháp này thường tốn khá nhiều thời gian vì phải tuân thủ trình tự thủ tục phức tạp do luật định, tốn kém chi phí cho việc tham gia tố tụng, chi phí giám định và chủ sở hữu quyền SHTT có trách nhiệm phải chứng minh cá nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm quyền SHTT.
- Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và biện pháp khắc phục hậu quả
Đây là biện pháp do cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT theo trình tự, thủ tục luật định như: điều kiện về thẩm quyền giải quyết, hình thức tiến hành,… Các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hành chính hiện nay được quy định tại Điều 211 Luật SHTT, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định pháp luật bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáohoặc phạt tiền. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền SHTT còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tịch thu hàng hóa giả mạo về SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về SHTT;
- Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền SHTT còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về SHTT, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền SHTT hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về SHTT, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về SHTT sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.
Biện pháp này có ưu điểm phù hợp với những trường hợp muốn chấm dứt hành vi xâm phạm nhanh chóng, bảo vệ được quyền lợi của chủ thể có quyền và lợi ích của người tiêu dùng. So với các biện pháp dân sự thì biện pháp này có thủ tục đơn giản, tiết kiệm được thời gian hơn. Nhưng khuyết điểm của biện pháp này là các chế tài xử phạt chỉ mang tính chất cảnh cáo nhẹ, mức phạt thấp, không đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm có tính chất tương tự. Chủ sở hữu quyền SHTT khó đòi được bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi xâm phạm.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đây là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT được quy định là tội phạm theo pháp luật hình sự và được xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự. Biện pháp này giúp chấm dứt hành vi vi phạm triệt để, mang tính răn đe cao đối với các hành vi có tính chất tương tự do hình phạt nặng (phạt tù hoặc phạt tiền) và tính cưỡng chế cao. Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, thì người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thì tùy mức độ có thể bị phạt tiền từ đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 03 năm. Trường hợp đối tượng phạm tội là pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền đến 3.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” thì người nào có hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thì tùy mức độ có thể sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 03 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tương tự như các biện pháp dân sự, biện pháp này cũng phải trãi qua một quá trình thủ tục tố tụng kéo dài, tốn nhiều thời gian và không có tính bảo mật.
[1] Điều 198 Luật SHTT.
[2] Điều 202 Luật SHTT
Để lại một bình luận