Thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và marketing. Trong đó, thương hiệu thường được nhắc đến như là một sự định vị về bản thân doanh nghiệp hoặc hàng hóa/dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh.
Chức năng lớn nhất của thương hiệu có thể nói là giúp các khách hàng nhận diện, phân biệt được doanh nghiệp, hàng hóa/dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp với các hàng hóa/dịch vụ cùng loại trên thị trường. Và nhiều trường hợp các quyết định sử dụng hàng hóa/dịch vụ của khách hàng được đưa ra dựa trên thương hiệu của hàng hóa/dịch vụ đó. Cũng vì lẽ đó mà có vô vàng các doanh nghiệp nhỏ cố tình tạo nên các thương hiệu giống hệt hoặc tương tự các thương hiệu nổi tiếng nhằm tạo sự nhầm lẫn của người tiêu dùng.
Vai trò của thương hiệu và tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng thương hiệu trong hoạt động kinh doanh là vấn đề không phải bàn cãi quá nhiều. Giá trị của thương hiệu được chứng minh hằng ngày hằng giờ qua việc các công ty đã và đang tiêu tốn hàng triệu USD để phát triển các thương hiệu của mình. Vấn đề cần bàn luận và câu chuyện bảo vệ thành quả lao động này – BẢO VỆ CÁC THƯƠNG HIỆU trước các đối thủ cạnh tranh.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không có khái niệm về thương hiệu và bảo hộ thương hiệu nhưng có cơ chế bảo hộ cứng rắn, vững chắc dành cho chủ sở hữu của những yếu tố sở hữu trí tuệ cấu thành nên một thương hiệu, bao gồm:
- Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp: sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
- Quyền đối với giống cây trồng.
Có thể nói, có nhiều yếu tố cấu thành nên một thương hiệu nhưng các quyền sở hữu trí tuệ là một cấu thành không thể thiếu. Công thức tạo nên sản phẩm, quy trình xây dựng dịch vụ, thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa, logo công ty, slogan định vị,…tất cả đều cấu thành từ những tài sản trí tuệ.
VẬY KHI NÀO CẦN QUAN TÂM BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Các tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và cấu thành nên thương hiệu nói riêng thường có giá trị lớn, tạo nên sức mạnh và sự khác biệt của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh. Đây cũng là công cụ thu hút vốn đầu tư hiệu quả đối của doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cho phép rằng, gần như bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh cùng ngành nghề, lĩnh vực và cùng một loại sản phẩm với bạn, thậm chí là bán một sản phẩm có các tính năng đặc điểm gần như giống hệt bạn.
Bạn tốn hàng tháng trời để phát triển từ một ý tưởng thành một sản phẩm/dịch vụ thực sự và hoàn hảo. Ấy vậy mà chỉ vài ngày sau đó, một sản phẩm/dịch vụ tương tự đã xuất hiện trên thị trường với giá thấp hơn – lẽ dĩ nhiên, vì họ chẳng cần đầu tư nghiên cứu. Đến cả Apple còn không chống lại được thực tế làm nhái này. Có thể thấy, việc đầu tư và tạo ra tài sản trí tuệ là vô cùng khó khăn, tốn kém nhưng việc sao chép của các đối thủ lại tương đối dễ dàng, thu được lợi ích kinh tế lớn từ sự thiệt hại của chính bạn.
Tuy vậy, có một điểm các đối thủ cạnh tranh của bạn không thể sao chép và không được phép sao chép đó là nhãn hiệu độc quyền hay những tài sản trí tuệ khác của bạn đã được pháp luật bảo hộ. Khó mà kể hết số lượng doanh nghiệp muốn sử dụng thương hiệu của Apple, Iphone nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở Í-phở và Ipho chẳng hạn. Và nếu muốn Apple hoàn toàn có thể kiện buộc các đơn vị này chấm dứt việc sử dụng các nhãn hiệu ăn theo kia, buộc họ bồi thường lên đến hàng tỉ USD, thu hồi toàn bộ các sản phẩm này trên thị trường,… do các thương hiệu ăn theo kia sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho Apple. Tất cả những quyền lực trên đều xuất phát từ một động thái đơn giản – Apple đăng ký bảo hộ độc quyền và bao trùm tất cả các tài sản trí tuệ của mình. Việc đăng ký bảo hộ của Apple luôn được thực hiện vào thời điểm các tài sản trí tuệ được hình thành thay vì đợi đến khi nó đã tràn lan trên thị trường.
Vì vậy, việc quan tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nên được thực hiện tại thời điểm tài sản trí tuệ được hình thành, bởi nếu bạn chần chờ đến khi một nhãn hiệu đã phát triển đủ mạnh hay nổi tiếng mới thực hiện thì câu chuyện lúc này đã quá muộn. Người sáng tạo ra nhãn hiệu này là bạn nhưng các đối thủ cạnh tranh vẫn có thể nhanh tay đăng ký trước nếu bạn không thực hiện điều này. Bạn sẽ nghĩ sao nếu một ngày đẹp trời nhận được thông báo về việc chấm dứt sử dụng nhãn hiệu do chính mình tạo ra và ngốn hàng đống tiền để phát triển, quảng cáo từ một người đã nhanh chân đăng ký nhãn hiệu đó trước bạn. Nghiêm trọng hơn họ có thể buộc bạn phải thu hồi toàn bộ sản phẩm mang nhãn hiệu này hiện đang lưu hành trên thị trường, bồi thường thiệt hại cho họ và chịu các biện pháp xử lý hành chính lên đến vài trăm triệu đồng…..Tất cả những viễn cảnh tồi tệ trên đều có khả năng xảy ra gần như 100% khi một đối thủ nắm được nhãn hiệu của bạn thông qua việc đăng ký nhãn hiệu của bạn.
“Lời khuyên của cha giàu: Quyền sở hữu trí tuệ đúng là của bạn nhưng không gì có thể ngăn chặn những người đọc nộp đơn đăng ký nó trước bạn. Vì vậy chúng tôi đặc biệt đề nghị bạn đăng ký tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đang có trước khi công bố kế hoạch”
Để lại một bình luận