Download ebook Hỏi đáp khởi nghiệp
Với mong muốn đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, các Star-Up Việt Nam, ebook Hỏi đáp Khởi nghiệp đã triển khai giải đáp được nhiều câu hỏi, giúp được nhiều start-up trong việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý khi triển khai kế hoạch khởi nghiệp.
Ebook được soạn thảo bởi những thành viên đến từ dự án “Nâng cao Năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam” – một dự án do Chương trình Đổi mới sáng tạo Phần Lan tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF).
Một số câu hỏi được đề cập trong ebook Hỏi đáp Khởi nghiệp
1. Căn cứ pháp lý:
Luật Doanh nghiệp 2015
Luật Thương mại 2005
2. Ý kiến tư vấn
Theo như nội dung bạn trình bày, chúng tôi hiểu rằng bạn đang gặp vấn đề không có đủ vốn để đầu tư mua máy móc, thiết bị và dây chuyền phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm từ một loại cây nông nghiệp do bạn nghiên cứu. Tuy nhiên, do nội dung bạn trình bày chưa nói rõ quy mô dự kiến bạn sản xuất sản phẩm này như thế nào? Bạn có dự định thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm này hay không? Do đó, chúng tôi không nêu các phương án một cách chi tiết mà chỉ có thể đề xuất một số phương án định hướng chung nhằm giải quyết vấn đề bạn đang thiếu vốn kinh doanh.
Trước hết, theo chúng tôi bạn nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với phương pháp sản xuất sản phẩm nông nghiệp này dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo hộ cho bạn công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp này.
Về việc lựa chọn phương án để thực hiện đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp này, có nhiều phương án khởi sự để bạn có thể lựa chọn, với mỗi phương án sẽ cần những thủ tục khác nhau và có những ưu nhược điểm khác nhau về mặt thủ tục, thuế doanh nghiệp, mức độ phức tạp khi thực hiện và rủi ro pháp lý. Chúng tôi gửi bạn thông tin ban đầu để bạn tham khảo, để có thể quyết định phù hợp bạn nên dành thời gian nghiên cứu cụ thể cho từng phương án. Các phương án như sau:
Phương án 1: Bạn vay vốn người thân và/hoặc ngân hàng để đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp này
Theo phương án này bạn có thể với tư cách cá nhân hoặc thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp để vay vốn từ người thân và/hoặc ngân hàng phục vụ đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất.
Nếu vay vốn người thân, bạn bè của bạn, có thể bạn không cần có tài sản thế chấp và mức lãi suất có thể sẽ được “ưu ái” hơn so với lãi suất ngân hàng nhưng có nhược điểm là nguồn vốn có thể không ổn định (VD: người thân của bạn có việc đột xuất cần lấy lại khoản tiền đã cho bạn vay,…) có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của bạn.
Nếu bạn muốn sử dụng nguồn vốn ngân hàng thì bạn cần vượt qua các yêu cầu của Ngân hàng để có thể “được tiếp cận” nguồn vốn ổn định này. Thông thường, Ngân hàng sẽ yêu cầu bạn có tài sản thế chấp (VD: Nhà đất, xe cộ,…) và số tiền vay sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản thế chấp của bạn. Bạn cũng nên lưu ý chi phí sử dụng vốn ngân hàng (lãi vay), đây sẽ là gánh nặng chi phí cho hoạt động kinh doanh của bạn. Nếu chọn phương án này, bạn nên làm việc thật kỹ lượng với nhân viên tín dụng ngân hàng để có thể tìm được khoản vay phù hợp với chi phí thấp nhất.
Phương án 2: Bạn hợp tác với đối tác có sẵn nguồn vốn để sản xuất sản phẩm nông nghiệp này
Đối với phương án này chúng tôi lưu ý một số vấn đề sau đây:
a. Tiêu chí để lựa chọn đối tác: Bạn cần đặt tiêu chí lựa chọn đối tác như: về nguồn lực tài chính; kinh nghiệm trong việc sản xuất sản phẩm tương tự; thế mạnh đối tác trong việc phân phối, bán sản phẩm…
b. Hình thức hợp tác: bạn và đối tác có thể lựa chọn các hình thức hợp tác sau:
(1) Hai bên sẽ hợp tác thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp này. Đối với hình thức này, bạn và đối tác cần thỏa thuận thống nhất một số nội dung cơ bản sau:
- Lựa chọn loại hình doanh nghiệp;
- Mức vốn điều lệ của doanh nghiệp;
- Tài sản góp vốn và định giá tài sản góp vốn: theo đó bạn sẽ góp quyền sở hữu trí tuệ đối công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được pháp luật công nhận dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh, bạn và đối tác định giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị bao nhiêu tương đương bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp thành lập; đối tác góp bằng tiền hoặc nhà máy sản xuất (trong trường hợp đối tác có sẵn nhà máy sản xuất) tương đương bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp thành lập…;
- Cơ cấu tổ chức quản lý điều hành doanh nghiệp và việc các bên cử người tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp như thế nào.
(2) Hai bên sẽ hợp tác sản xuất sản phẩm thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập doanh nghiệp. Đối với hình thức này, bạn và đối tác cần thỏa thuận thống nhất một số nội dung cơ bản của hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm:
- Điều khoản nội dung hợp tác;
- Điều khoản thời hạn hợp tác;
- Điều khoản kế hoạch hợp tác;
- Điều khoản thành lập, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của ban điều phối để thực hiện hợp đồng hợp tác (nếu các bên thấy cần thiết);
- Điều khoản vốn đầu tư và góp vốn đầu tư: bạn sẽ góp quyền sở hữu trí tuệ đối công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được pháp luật công nhận dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh, bạn và đối tác định giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị bao nhiêu tương đương bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư; đối tác góp bằng tiền hoặc nhà máy sản xuất (trong trường hợp đối tác có sẵn nhà máy sản xuất) tương đương bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư …. Bạn nên lưu ý vấn đề định giá tài sản góp vốn tại thời điểm hợp tác làm ăn theo đúng các quy định tại Luật Doanh nghiệp, tránh gặp các rủi ro pháp lý sau này.
- Điều khoản phân chia kết quả hợp tác;
- Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Điều khoản phân công trách nhiệm nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính nhà nước phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hợp tác;
- Điều khoản chuyển nhượng hợp đồng hợp tác;
- Điều khoản về việc chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (nếu các bên thấy cần thiết);
- Điều khoản rõ lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra là Tòa án hay Trọng tài. Trường hợp chọn Trọng tài, bạn lưu ý chỉ rõ là trung tâm trọng tài nào và xét xử theo quy tắc tộ tụng của trung tâm trọng tài nào. Nếu chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) giải quyết tranh chấp, bạn có thể quy định theo điều khoản trọng tài khuyến nghị của VIAC như sau:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
hoặc,
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
Ngoài ra, các bên có thể bổ sung:
(a) số lượng trọng tài viên là [một hoặc ba].
(b) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia].
(c) luật áp dụng cho hợp đồng là ……….. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài).
(d) ngôn ngữ trọng tài là …. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)
- Điều khoản hiệu lực của hợp đồng hợp tác kinh doanh;
Các Điều khoản khác căn cứ vào yêu cầu của các bên khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.
* Nội dung các câu trả lời không phản ánh quan điểm của VIAC
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại 2005;
- Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Thông tư số 09/2006/TT-BTMM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Nghị định số 72/2006/NĐ-CP,
2. Chúng tôi hiểu rằng bạn muốn mở rộng việc kinh doanh đang phát triển tốt tại Hà Nội vào Tp. HCM nhưng nguồn vốn có hạn, trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc phương án nhượng quyền thương mại, như vậy bạn vừa tận dụng mặt bằng và nguồn lao động của bên đối tác mà vẫn có thể tăng lợi nhuận từ thương hiệu của mình.
Thủ tục khi nhượng quyền kinh doanh cửa hàng cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh?
a. Điều kiện để bạn nhượng quyền kinh doanh cửa hàng cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh
Để được nhượng quyền kinh doanh cửa hàng cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp của bạn (“Bên nhượng quyền”) và Bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
(1) Điều kiện đối với Bên nhượng quyền
Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (“Nghị định 35/2006/NĐ-CP”), điều kiện đối với Bên nhượng quyền phải đáp ứng 2 điều kiện sau:
- Doanh nghiệp của bạn phải có hệ thống kinh doanh cửa hàng cà phê đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
- Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Sở Công thương nơi doanh nghiệp của bạn đăng ký kinh doanh.
(2) Điều kiện đối với Bên nhận quyền
Theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP, điều kiện đối với Bên nhận quyền thương mại có đăng ký kinh doanh ngành nghề cửa hàng cà phê.
1. Thủ tục nhượng quyền kinh doanh cửa hàng cà phê
(1) Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Trước khi nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp bạn phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại kinh doanh quán cà phê, cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số: 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 5 năm 2006 (“Thông tư số: 09/2006/TT-BTM”) ;
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số: 09/2006/TT-BTM;
- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
Thủ tục đăng ký
- Doanh nghiệp của bạn nộp hồ sơ đăng ký tại Sở Công thương nơi doanh nghiệp của bạn đăng ký kinh doanh.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản về việc đăng ký đó.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công thương có văn bản thông báo để Doanh nghiệp của bạn bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
(2) Thông báo thay đổi thông tin đăng ký trong hoạt động nhượng quyền thương mại
Khi có sự thay đổi các thông tin đã đăng ký tại: Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Doanh nghiệp của bạn có trách nhiệm thông báo cho Sở Công thương trong thời hạn 30 ngày theo mẫu TB-5 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số: 09/2006/TT-BTM và gửi kèm tài liệu liên quan về những thay đổi đó kể từ ngày có thay đổi các thông tin đã đăng ký.
(3) Cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu
Sau khi được Sở Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản về việc đăng ký đó, Doanh nghiệp của bạn cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận quyền; Bên dự kiến nhận quyền phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu.
(4) Tiến hành ký kết hợp đồng nhương quyền thương mại
Hai bên tiến hành đàm phán thống nhất nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại và ký kết Hợp đồng.
(5) Thông báo về thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh
Trong thời hạn nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp của bạn có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của Bên nhận quyền.
3. Hợp đồng nhượng quyền thương mại này cần có nhưng nội dung gì?
a. Theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP, các nội dung chủ yếu của Hợp đồng nhượng quyền thương mại gồm:
- Điều khoản nội dung của quyền thương mại như tên và hình thức của quyền thương mại được chuyển giao (sơ cấp, thứ cấp, độc quyền hay không độc quyền)
- Điều khoản quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Điều khoản quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Điều khoản Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ, thời hạn và phương thức thanh toán.
- Điều khoản thời hạn hiệu lực của Hợp đồng.
- Điều khoản gia hạn, chấm dứt hợp đồng.
- Điều khoản giải quyết tranh chấp.
b. Ngoài các nội dung cơ bản của Hợp đồng nhượng quyền thương mại như nêu trên, trong quá trình thực tiễn ký kết Hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên còn có thể quy định bổ sung thêm các nội dung sau:
- Điều khoản trách nhiệm của các bên đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng;
- Điều khoản quyền sở hữu của các cơ sở nhượng quyền và các tài sản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng;
- Điều khoản trách nhiệm vụ nộp thuế và tài chính với nhà nước đối với mỗi bên;
- Điều khoản kế hoạch, tiến độ, thời hạn, địa điểm và phương thức thực hiện;
- Điều khoản tuyển dụng nhân viên; cách ăn mặc và tác phong phục vụ của nhân viên ban hàng;
- Điều khoản cam kết của bên nhượng quyền chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin cung cấp cho bên nhận quyền;
- Cần lưu ý một số điều khoản không được đưa vào hợp đồng theo quy định về pháp luật cạnh tranh. Đó là:
+ Cấm bên nhận quyền bán sản phẩm hay dịch vụ tương đương với sản phẩm của Bên nhượng quyền tại cơ sở kinh doanh nhượng quyền, trừ trường hợp điều đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền.
Cấm bên nhận quyền tiếp tục sử dụng các kiến thức thu được từ họat động kinh doanh nhượng quyền sau khi chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp các kiến thức này là bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.
* Nội dung các câu trả lời không phản ánh quan điểm của VIAC
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (“Luật Sở hữu trí tuệ 2005”);
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (“Nghị định số 103/2006/NĐ-CP”);
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghê hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP (“Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN”);
2. Nội dung trả lời
Về vấn đề tên sản phẩm/nhãn hiệu sản phẩm:
Theo như thông tin của bạn, chúng tôi hiểu rằng bạn muốn đưa tên quê hương bạn (tên địa danh) vào trong tên sản phẩm mà bạn sản xuất ra và băn khoăn như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật không.
Theo quy định tại Tiết g, Điểm 39.3, Tiểu mục 39 quy định Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, bạn không được sử dụng tên địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Ví dụ: Một cá nhân hay một doanh nghiệp không thể yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi; Bát Tràng cho các sản phẩm gốm, Thanh Hà cho sản phẩm vải thiều, Hưng Yên cho sản phẩm nhãn lồng…
Địa danh chỉ được bảo hộ khi nó được đăng ký dưới dạng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong trường hợp này, chủ đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể phải là một tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp.
Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn không thuộc tập thể sở hữu nhãn hiệu tập thể nào hoặc nếu quê hương bạn không được bảo hộ như chỉ dẫn địa lý nào đối với loại trái cây bạn dùng làm nguyên liệu thì khi bạn đưa tên quê hương bạn vào tên của sản phẩm, thì nhãn hiệu sản phẩm của bạn sẽ không thể đăng ký bảo hộ theo pháp luật.
Về vấn đề kiểu dáng bao bì sản phẩm:
Theo như nội dung bạn trình bày, chúng tôi hiểu rằng bạn đang muốn đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng bao bì sản phẩm. Theo các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, việc đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng bao bì sản phẩm được thực hiện dưới hình thức đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Để kiểu dáng bao bì sản phẩm đăng ký bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp, thì kiểu dáng bao bì sản phẩm của bạn phải đáp ứng các điều kiện và không thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, cụ thể:
a. Điều kiện kiểu dáng bao bì sản phẩm của bạn được đăng ký bảo hộ
Theo Điều 63, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, để được đăng ký bảo hộ kiểu dáng bao bì sản phẩm đáp ứng 03 điều kiện là: Có tính mới; Có tính sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.
b. Kiểu dáng bào bì sản phẩm không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 64, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, kiểu dáng bao bì sản phẩm của bạn không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực tương ứng;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm;
- Kiểu dáng các sản phẩm chỉ có giá trị thẩm mỹ,
3. Thủ tục đăng ký kiểu dáng bao bì sản phầm
a. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng bao bì sản phẩm:
- Bản mô tả đặc điểm, kiểu dáng bao bì;
- Chứng nhận đăng ký kinh doanh (2 bản sao y công chứng);
- Bộ ảnh chụp/bản vẽ theo các hướng: Tổng thể, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, trên xuống, dưới lên;
- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn trong trường hợp tác giả Kiểu dáng công nghiệp không phải là người nộp đơn;
- Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm được chế tạo theo Kiểu dáng bao bì;
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của kiểu dáng bao bì và phải phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bộ hình vẽ kiểu dáng bao bì và bao gồm các nội dung sau:
+ Tên sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng bao bì
+ Chỉ số Phân loại Kiểu dáng công nghiệp Quốc tế (theo Thoả ước Locarno)
+ Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp
+ Liệt kê ảnh chụp hoặc hình vẽ kiểu dáng bao bì
+ Bản chất của kiểu dáng bao bì, trong đó cần nêu rõ đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng bao bì yêu cầu bảo hộ khác biệt với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
Quyền ưu tiên dành cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người nộp đơn cho cùng một Kiểu dáng công nghiệp.
b. Cách thức thực hiện:
- Trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng;
- Qua bưu điện.
c. Thời hạn giải quyết:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
- Công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
- Thẩm định nội dung: 06 tháng từ ngày công bố đơn.
d. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Căn cứ vào nội dung bạn hỏi, theo chúng tôi bạn và siêu thị có thể đàm phán ký kết Hợp đồng gửi bán hàng hóa với mục đích bạn gửi hàng hóa để siệu thị bán hộ và trả phí bán hàng cho siệu thị. Khi đàm phán Hợp đồng gửi bán hàng hóa, bạn cần phải lưu ý các vấn đề sau đây:
- Đối tượng hợp đồng: bạn và siêu thị cần phải quy định rõ nội dung gửi bán hàng hóa như: tên hàng hóa; số lượng hàng hóa; mức giá hàng hóa bán cho người mua; hàng hóa bán ra phải thu tiền ngay hay được bán chịu;
- Thời hạn hợp đồng;
- Mức phí bán hàng bạn trả cho siêu thị: bạn cần phải quy định rõ cách tính phí theo cách thức nào: khoán trả theo số lượng hàng hóa bán ra; hay trả theo mức phí cố định; hoặc áp dụng cả hai cách thức trả phí cố định và hưởng thêm phí căn cứ vào số lượng hàng hóa bán ra; phương thức và thời hạn thanh toán phi bán hàng.
- Địa điểm và quy cách giao nhận hàng: cần phải quy định rõ địa điểm giao nhận hàng ở đâu; quy cách đóng gói hàng khi giao; chi phí giao nhận hàng sẽ do bên nào thanh toán;
- Địa điểm bày bán hàng và treo bảng biển hiệu: cần phải quy định rõ địa điểm bày bán hàng hóa trong siệu thị tại vị trí nào? Bạn có được treo biển hiểu tại địa điểm bày bán hàng hóa không?
- Chịu rủi ro về hàng hóa: cần phải quy định rõ các trường hợp, thời điểm mỗi bên chịu rủi ro về hàng hóa.
Ví dụ:
+ Bạn chịu mọi rủi ro về hàng hóa như hư hỏng, mất mát…. cho đến thời điểm hoàn tất việc giao hàng cho siêu thị.
+ Siêu thị chịu mọi rủi ro về hàng hóa như hư hỏng, mất mát…kể từ thời điểm nhận bàn giao hàng hóa từ bạn.
- Quy định về thu hồi hàng hóa áp dụng trong các trường hợp: do khách hàng trả lại; siêu thị trả lại và bạn đề nghị thu hồi.
- Quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên.
- Quy định rõ về việc phạt vi phạm hợp đồng (nếu hai bên thấy cần thiết) và bồi thường thiệt hại.
- Quy định rõ các trường hợp chấm dứt hợp đồng.
- Quy định rõ lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra là Tòa án hay Trọng tài. Trường hợp chọn Trọng tài, bạn lưu ý chỉ rõ là trung tâm trọng tài nào và xét xử theo quy tắc tộ tụng của trung tâm trọng tài nào. Nếu chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) giải quyết tranh chấp, bạn có thể quy định theo điều khoản khuyến nghị của VIAC như sau:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
hoặc,
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
Ngoài ra, các bên có thể bổ sung:
(a) số lượng trọng tài viên là [một hoặc ba].
(b) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia].
(c) luật áp dụng cho hợp đồng là ……….. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài).
(d) ngôn ngữ trọng tài là …. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)
- Quy định về thời hạn và hiệu lực của hợp đồng;
- Các quy định khác căn cứ vào yêu cầu của hai bên khi ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý nghiên cứu thêm các chính sách chạy khuyến mại/chính sách tăng doanh thu đang áp dụng tại siêu thị để đưa thêm một số điều khoản để siêu thị cùng có trách nhiệm quảng cáo, thúc đẩy doanh thu sản phẩm của bạn tại siêu thị.
Ví dụ: Số lần được bày tại kệ giữa siêu thị trong tháng, hình thức tham gia vào các chương trình khuyến mại của siêu thị, tham gia vào các chiến dịch quảng bá của siêu thị (cho hình ảnh vào các broucher phát tới các hộ gia đình, chạy promotion hàng tháng/hàng quý,…)
* Nội dung các câu trả lời không phản ánh quan điểm của VIAC
1. Căn cứ pháp lý:
Bộ luật lao động năm 2012
2. Nội dung trả lời:
Theo như nội dung bạn trình bày, chúng tôi hiểu rằng, bạn có chuỗi nhà hàng với số lượng nhân viên là 20 người. Bạn dự định sẽ thuê giảng viên về đào tạo cho các nhân viên các bước pha chế, chế biến cơ bản với điều kiện các nhân viên này ký cam kết làm việc nhất 2 năm sau khi được đào tạo cho bạn. Bạn thắc mắc, việc bạn yêu cầu các nhân viên ký cam kết làm việc như vậy có đúng quy định pháp luật hay không? Sau đây chúng tôi trả lời thắc mắc của bạn.
Căn cứ Điều 62 của Bộ luật lao động 2012 quy định, trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động, thì hai bên sẽ ký kết Hợp đồng đào tạo nghề lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Nghề đào tạo; Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; Chi phí đào tạo: bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học….; Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Đối chiếu với trường hợp cụ thể của bạn, thì bạn và những nhân viên này phải ký Hợp đồng đào tạo có các nội dung theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động 2012 lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản, chứ không phải bạn yêu cầu những nhân viên này cam kết làm việc dưới hình thức ký bản cam kết gửi bạn. Về thời hạn nhân viên này cam kết phải làm việc cho bạn sau khi được đào tạo sẽ do hai bên thỏa thuận.
Bạn nên lưu ý quy định rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo trong trường hợp người lao động không làm việc theo đúng thời hạn đã cam kết (ở trường hợp của bạn là 02 năm). Tuy nhiên mức chi phí này phải là mức chi phí hợp lý chứ bản chất không phải là một khoản tiền “phạt”.
* Nội dung các câu trả lời không phản ánh quan điểm của VIAC
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật Dân sự
- Bộ Luật Hình sự
- Nghị định174/2013/NĐ-CP
2. Ý kiến tư vấn
Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."
Như vậy, việc người khác có những hành vi tuyên truyền thông tin không đúng sự thật về công việc của anh/chị không đúng với quy định pháp luật và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của hành vi nói trên mà người thực hiện hành vi trên có thể sẽ phải chịu những chế tài xử lý cụ thể. Anh/chị có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để giải quyết. Nếu có cơ sở, căn cứ pháp lý cụ thể, thiệt hại rõ ràng, anh/chị có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo Điều 611 của Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."
Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, cá nhân đó còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự với tội danh vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự.
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, anh/chị có thể khởi kiện người có hành vi vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật và bồi thường thiệt hại cho anh/chị, hoặc an/chị có thể báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Công an để tố cáo về hành vi vu khống của người có hành vi bôi nhọ danh dự của anh/chị, gây thiệt hại về uy tín và thu nhập của anh/chị.
* Nội dung các câu trả lời không phản ánh quan điểm của VIAC
Và còn rất nhiều rất nhiều các câu hỏi hữu ích khác trong ebook Hỏi đáp khởi nghiệp VIAC. Các bạn có thể download ebook Hỏi đáp khởi nghiệp PDF bên dưới:
Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong việc download, hoặc có thắc mắc xung quanh ebook Hỏi đáp Khởi nghiệp thì bạn đọc vui lòng phản hồi ở khung bình luận bên dưới bài viết.
Để lại một bình luận