Trong thời gian qua, một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh khi thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như: cơ sở cụ thể để xác định một tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng; việc xác định tư cách đại diện của một bên vợ, chồng khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến tài sản chung của vợ, chồng… Điều này khiến cho các bên trong giao dịch có thể gặp rủi ro như hợp đồng, giao dịch bị tuyên vô hiệu hoặc các giao dịch bảo đảm bị tuyên vô hiệu dẫn tới các khoản nợ có bảo đảm thành nợ không có bảo đảm.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, qua đó giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng.
1. Về việc công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, chế độ tài sản vợ chồng thực hiện theo luật định bao gồm việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng vợ chồng… Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 công nhận việc vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác (khoản 1 Điều 29).
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có điểm mới quan trọng khi công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Theo đó tại khoản 1 Điều 28 của Luật quy định “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn và vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung: Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng (khoản 1 Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình). Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật (Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Việc quy định cho phép áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận giúp cho các giao dịch liên quan đến tài sản vợ chồng được rõ ràng và thông thoáng hơn, các bên có thể nhanh chóng xác định được tài sản trong giao dịch là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng cũng như xác định được bên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch đối với khối tài sản đó.
Bên cạnh đó, để đảm bảo bên thứ ba có đầy đủ thông tin khi thực hiện giao kết với vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và trong giao dịch với người thứ ba, vợ chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan. Nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Quy định này cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng.
2. Về việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng (Khoản 3 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000). Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình cũng chỉ quy định: tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng. Các quy định nêu trên đều còn khá chung chung, chưa cụ thể, sẽ rất khó khăn cho bên giao dịch với vợ chồng khi phải xác định tài sản chung trong giao dịch có giá trị lớn trong khối tài sản chung của vợ chồng hay không và giao dịch họ muốn xác lập có cần sự giao kết của cả vợ chồng hay không? Điều này dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn cho các bên khi ký kết các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng chỉ với một bên vợ hoặc chồng.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có cách tiếp cận vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể hơn:
Theo đó, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định hoặc trong thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng không quy định nội dung này (quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung) thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận; Trong các trường hợp sau, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng: (i) Bất động sản; (ii) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; (iii) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng phải do vợ chồng thỏa thuận. Vợ chồng có thể cùng xác lập giao dịch với bên thứ ba liên quan đến tài sản chung vợ chồng; hoặc đại diện cho nhau để xác lập thực hiện giao dịch với bên thứ ba theo quy định về đại diện tại Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật dân sự; hoặc cùng thỏa thuận cho một người được toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản chung. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau, một bên vợ hoặc chồng được xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng mà không cần có thỏa thuận chung vợ chồng:
(i) Khi áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, trong trường hợp vợ chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung (không bao gồm tài sản là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia (khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình (Khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Quy định này cũng sẽ được áp dụng cho chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nếu tại thỏa thuận của vợ chồng chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về vấn đề này (theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
(ii) Trong trường hợp vợ chồng kinh doanh chung thì vợ hoặc chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh được xác định là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó (trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác). Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó (thỏa thuận vợ chồng phải lập thành văn bản) (Điều 25, 36 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Quy định này hoàn toàn phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh khi các giao dịch phải được tiến hành một cách thường xuyên, nhanh chóng và khi các bên đối tác chỉ quan tâm tới người đại diện trực tiếp tham gia quản lý, điều hành việc kinh doanh. Quy định giúp đảm bảo cơ sở cho việc xác lập, thực hiện các giao dịch trong kinh doanh và xác định nghĩa vụ liên đới giữa vợ chồng khi vợ chồng cùng tham gia kinh doanh.
(iii) Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng:
Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó (Khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình (Khoản 2 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Người thứ ba sẽ không được coi là ngay tình trong trường hợp: (i) Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin liên quan theo quy định về cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba; (ii) Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
3. Về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chung chỉ ghi tên vợ hoặc chồng
Với mục đích đảm bảo quyền lợi bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung vợ chồng và đảm bảo minh bạch trong việc xác định tài sản chung vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Tuy nhiên, do đặt trong quy định chung về xác định tài sản chung vợ chồng dẫn tới có nhiều cách hiểu chưa đúng về việc ghi tên hai vợ chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản như: nếu giấy chứng nhận chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì tài sản đó là tài sản riêng của vợ, chồng; hoặc vợ hoặc chồng ghi tên trên giấy chứng nhận là người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch đối với khối tài sản đó… Trên thực tế thời gian qua vẫn có trường hợp cấp giấy đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ ghi tên một người. Trong khi đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định cụ thể về các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp này.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; sự an toàn trong giao dịch khi xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản chung của vợ chồng mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung quy định về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp này. Theo đó, vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung vợ chồng sẽ không đương nhiên là người đại diện cho người còn lại để xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp này được thực hiện theo quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng (Điều 24) và xác định đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh (Điều 25). Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên các giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp có đủ căn cứ xác định người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật dân sự (Điều 26 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn chưa rõ ràng về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng … tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Với những sửa đổi, bổ sung cơ bản về chế độ tài sản vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được hy vọng sẽ góp phần minh bạch hóa tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các giao dịch liên quan đến tài sản vợ chồng, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia giao dịch./.
Nguồn http: Trang thông tin điện tử của Viện Khoa học pháp lý
(Khuyến nghị: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Người dùng khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Để lại một bình luận