Vụ quán Xin Chào gần đây vẫn là tâm điểm chú ý của dự luận và cả các cơ quan có thẩm quyền, tuy xét về tình thì có vẻ các cơ quan chức năng đã quá nặng tay và có phần thừa nhiệt tình trong việc truy tìm ra các lỗi vi phạm của chủ quán – Ông Tấn. Tuy nhiên, về lý, không thể nói toàn bộ sự việc đều vô căn cứ và không xuất phát từ một phần lỗi chủ quan của bản thân Ông Tấn trong việc không chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật trước khi tiến hành kinh doanh dưới bất cứ hình thức nào, dù quy mô nhỏ hay lớn. Đây âu cũng là một bài học chúng ta cần lưu ý trước khi khởi sự kinh doanh.
Xem thêm: Tội kinh doanh trái phép, doanh nghiệp hiểu sao cho đúng?
Pháp luật hiện hành tuy vẫn còn các mặt hạn chế của nó nhưng với nghĩa vụ và tư cách là một công dân, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật. Bởi, khi không tuân thủ (dù có đôi khi chưa hợp lý), đối tượng thiệt hại trước hết là các lợi ích của chính bản thân và công việc kinh doanh của chúng ta. Vì vậy, trước khi pháp luật điều chỉnh được các hạn chế của nó thì ta nên tự chuẩn bị trước cho mình là trên hết để tránh các rắc rối về pháp lý phát sinh và thiệt hại về tài sản.
Vậy, trường hợp nào thì khi tiến hành kinh doanh, cá nhân không cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, kể cả đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh?
Vấn đề này đã được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Theo đó: “Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh” (sau đây được gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại).
Quy định này được giải thích cụ thể như sau:
Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
Vậy, hoạt động kinh doanh của cá nhân không phải đăng ký kinh doanh nói trên được phép thực hiện đối với các loại hàng hóa, dịch vụ nào?
Xem thêm: Thành lập công ty – Một số vấn đề cần lưu ý
Xem thêm: Thuê ngoài bộ máy vận hành – Giải pháp hiệu quả và kinh tế cho doanh nghiệp mới
Cá nhân hoạt động thương mại được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh;
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ này.
Xem thêm: Thuê ngoài bộ máy vận hành – Giải pháp hiệu quả và kinh tế cho doanh nghiệp mới
Thạc sĩ.Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp
Vướng mắc về pháp luật – Gọi ngay 0931 009 677
[…] Xem thêm: Các trường hợp kinh doanh không cần phải đăng ký […]