1. Không thành lập doanh nghiệp
Với các quy định pháp luật tại Việt Nam hiện hành, việc tiến hành hoạt động kinh doanh dưới mọi hình thức (trừ kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên như buôn bán hàng rong, vé số,..) đều phải được thực hiện dưới một hình thức pháp lý nhất định như hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp có sẵn,…
Hệ quả: Việc không tuân thủ các quy định này sẽ khiến việc kinh doanh của bạn đi đến con đường duy nhất là nhanh chóng chấm dứt vì vi phạm pháp luật, đồng thời có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tiền.
Giải pháp: Lựa chọn một mô hình pháp lý kinh doanh thích hợp như thành lập công ty. Việc kinh doanh dưới một mô hình pháp lý thích hợp sẽ là tiền đề phát triển bền vững cho sự nghiệp kinh doanh của bạn, đồng thời tận dụng được các cơ chế ưu đãi dành cho người khởi nghiệp của Nhà nước.
2. Cam kết hợp tác giữa các thành viên không rõ ràng
Khi mới khởi nghiệp, với nguồn lực và tiềm năng chưa đủ lớn nên chắc chắn bạn sẽ không có một đội ngũ nhân viên hoàn hảo mà thay vào đó là một nhóm nhỏ các thành viên cùng nhau nỗ lực hết mình để đưa công việc kinh doanh phát triển, bổ sung lẫn nhau các kỹ năng còn thiếu và một điều hiển nhiên bạn sẽ bị phụ thuộc vào đội ngũ cộng sự này.
Hệ quả: Bên cạnh các lợi ích của viên liên kết sức mạnh, việc hợp tác kinh doanh cũng tiềm ẩn các rủi ro do thói quen dễ dãi khi bắt đầu doanh nghiệp, khi góp vốn hợp tác, không để ý việc thỏa thuận từ trước, coi việc này chỉ là hình thức. Các rủi ro thường gặp là:
– Giữa các thành viên tranh chấp về quyền lực, quyết định và phân chia công việc;
– Tranh chấp về vốn góp;
– Một thành viên “bỏ cuộc chơi”dẫn đến tan rã công ty.
Giải pháp: Xây dựng một hợp đồng phân định rõ các vấn đề chủ yếu sau:
– Cam kết góp vốn hợp tác (loại tài sản, thời gian góp,…);
– Phân chia quyền điều hành, quản lý;
– Phân chia công việc và trách nhiệm thực hiện;
– Cách thức ứng xử khi có thành viên sáng lập rời đi, muốn chuyển nhượng cho người khác hay bị loại;
– Mục tiêu và tầm nhìn của công ty hoặc dự án.
3. Chọn mô hình công ty không phù hợp
Về cơ bản, những sự khác biệt tạo ra bởi các loại hình doanh nghiệp là khá lớn. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có một số mặt mạnh và một số hạn chế nhất định mà mỗi nhà đầu tư cần phải thận trọng xem xét trên khả năng và nhu cầu thực tế của mình để chọn một hình thức doanh nghiệp phù hợp. Bởi việc lựa chọn mô hình doanh nghiệp không phù hợp sẽ dẫn đến các hệ quả sau:
– Hạn chế khả năng huy động vốn;
– Rủi ro trách nhiệm khi kinh doanh cao;
– Thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận hành doanh nghiệp cao;
– Không tận dụng được các ưu đãi về thuế của nhà nước;
– Tốn kém chi phí khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp mới.
Giải pháp: Lựa chọn hình thức doanh nghiệp phù hợp trên cơ sở tìm hiểu các ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp và nhu cầu kinh doanh cụ thể của từng nhà đầu tưtrên cơ sở cân nhắc các yếu tố sau của từng loại hình doanh nghiệp:
– Uy tín mà doanh nghiệp có thể tạo ra với khách hàng do thói quen tiêu dùng;
– Phạm vi và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp;
– Chế độ chịu trách nhiệm của NĐT khi tham gia DN
– Thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh đơn giản hay phức tạp, chi phí;
– Khả năng chi phối tới hoạt động của DN của những người tham gia thành lập DN, cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các chức danh trong DN;
– Tính đơn giản hay phức tạp trong tổ chức quản lý nội bộ, bộ máy DN;
– Khả năng huy động vốn và mở rộng quy mô kinh doanh;
– Khả năng dịch chuyển vốn đầu tư từ người này sang người khác.
4. Không tuân thủ các điều kiện kinh doanh bắt buộc
Tội “Kinh doanh trái phép” – cơn ác mộng cho hầu hết startup tại Việt Nam, bởi hệ thống pháp luật về các điều kiện kinh doanh dày đặc và khó tiếp cận.
Việc vi phạm các quy định về điều kiện kinh có thể dẫn đến các chế tài hành chính nặng nề đối với các doanh nhân trẻ như phạt tiền hàng chục triệu đồng và tước quyền kinh doanh,…
Ví dụ: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Giải pháp:
Tìm hiểu cẩn thận và tuân thủ các điều kiện kinh doanh bắt buộc sau đây:
– Tư cách pháp lý khi tiến hành kinh doanh (đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh,…;
– Các điều kiện kinh doanh cho từng ngành nghề cụ thể (về quy mô, về vốn, về các giấy phép con,…;
– Phạm vi kinh doanh đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể (chỉ được kinh doanh tại khu vực nào, bán cho đối tượng nào,….)
5. Tùy tiện sử dụng các hợp đồng mẫu trên internet
Hợp đồng là bản thỏa thuận về phạm vi công việc, trách nhiệm của bạn đối với khách hàng cũng như những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện tương ứng cho bạn. Một hợp đồng được soạn thảo tùy tiện không phù hợp với tình hình kinh doanh của công ty sẽ mang đến các hệ lụy sau:
– Hợp đồng bị hủy;
– Phát sinh tranh chấp với khách hàng làm thiệt hại tiền bạc, uy tín,…;Bồi thường hoặc bị phạt hợp đồng do vi phạm cam kết trách nhiệm quá lớn hơn khả năng;
– Không có biện pháp ràng buộc thanh toán dẫn đến không thu được nợ;
Giải pháp:
Nghiên cứu và soạn thảo một bản hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tình hình kinh doanh và điều kiện thực tế tại doanh nghiệp của mình, với các vấn đề cần lưu ý:
– Phạm vi quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Giới hạn về trách nhiệm của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ,..
– Phương án thanh toán phù hợp đảm bảo tỷ lệ thu hồi nợ cao;
– Điều kiện để một trong các bên có thể giải phóng khỏi quan hệ hợp đồng;
– Phương án giải quyết tranh chấp khi phát sinh;
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp
[…] 10 Sai lầm pháp lý các starup thường vướng phải (phần 1) […]