Sau đây Tư vấn Nhật Hướng xin trình bày và phân tích các quy định của pháp luật áp dụng đối với chế định Hợp đồng theo mùa vụ để bạn đọc thuận tiện áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Cụ thể như sau:
Xem thêm: Những thủ tục hành chính về lao động mà bộ phận hành chính nhân sự công ty cần lưu ý
1. Các trường hợp được ký kết Hợp đồng lao động theo mùa vụ
Hợp đồng lao động theo mùa vụ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có tính chất không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng.
Theo đó, Hợp đồng lao động theo mùa vụ được ký kết trong 2 trường hợp:
- Công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên
- Công việc có thể hoàn thành trong thời hạn 12 tháng.
2. Hình thức của Hợp đồng lao động theo mùa vụ
Theo quy định tại Điều 16 Bộ Luật Lao Động năm 2012 về hình thức hợp đồng lao động như sau:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Vì vậy, hợp đồng lao động theo mùa vụ có thời hạn dưới 03 tháng có thể không phải lập thành văn bản. Tuy nhiên, khuyến nghị doanh nghiệp nên lập thành văn bản để hạch toán các chi phí tiền lương được thuận tiện.
3. Giới hạn áp dụng đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ
a. Giới hạn về trường hợp áp dụng:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012:
“3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”.
Vì vậy, về nguyên tắc doanh nghiệp không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ khi phải tạm thời thay thế người lao động trong các trường hợp sau:
- Người lao động tạm thời nghỉ việc đi làm nghĩa vụ quân sự.
- Người lao động tạm thời nghỉ việc theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
b. Giới hạn về thời gian áp dụng:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012:
“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”
Vì vậy, hợp đồng lao động theo mùa vụ chỉ được ký liên tục tối đa 02 lần. Sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
4. Chế độ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo mùa vụ
Theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”
Điều 124 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về hiệu lực thi hành như sau:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.”
Như vậy căn cứ theo các quy định trên nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ với thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì doanh nghiệp vẫn không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên đến ngày 01/01/2018 thì phải buộc đóng bảo hiểm xã hội.
5. Chế độ đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo mùa vụ
Theo Điều 43 Luật việc làm năm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.”
Căn cứ theo quy định trên nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ dưới 3 tháng thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thạc sĩ Luật Sư Nguyễn Ngọc Diệp
(Khuyến nghị: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Người dùng khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Để lại một bình luận